Top Ad unit 728 × 90

Tin Mới

random

Món ngon rêu đá Mộc Châu

Mùa xuân đến, lộc xuân mơn mởn, tiết xuân hiền hòa, cái rét của mùa đông tan dần trong nắng ấm ban mai, tạo điều kiện cho cây rừng đâm chồi nảy lộc. Dưới dòng sông hay các khe suối, hiện lên màu xanh biếc của rêu đá, ngọn dài óng mượt, xao động, dịu dàng chảy theo làn nước. Rêu đá là một thứ thực phẩm truyền thống của đồng bào Thái.
                              Màu xanh, óng mượt của rêu đá trên rừng.

Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.
Các cô gái ngày nắng ấm rủ nhau đi lấy rêu chế biến món ăn truyền thống của dân tộc.
Những ngày nắng ấm, các cô gái Thái thường tổ chức thành từng tốp đi lấy rêu về chế biến thành món ăn truyền thống của dân tộc. Rêu được chia thành 3 nhóm: “Cui”, loại rêu mọc trên đá thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm, rêu non làm món nộm, có nơi làm nộm sống, thường mọc ở các dòng Nậm Mức, Nậm Mu (Tuần Giáo và Mường Chà), sông Nậm Rốm, Pá Nậm (Điện Biên); “cay”, sợi rêu mọc rời rạc có màu xanh thường có ở suối Nậm He, xã Núa Ngam (Điện Biên); “tau”, loại rêu này thường thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Rêu sạch và non thường lấy ở những khúc sông, khe suối (nơi có dòng chảy). Mùa rêu mọc, đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú ở những nơi gần sông, suối, thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc chế biến thành món ăn trong tiệc cưới, lên nhà mới, lễ hội…
Rêu cần được chế biến để không lẫn tạp chất, rửa sạch không còn cát sạn.
Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. Rêu chế biến được nhiều món ăn ngon: Canh rêu tươi “kinh tau” nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị, ăn nóng. Rêu nộm “tau nửng chụp”, thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng), thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ.

Rêu đã được làm sạch.


Rêu nướng “tau pho”, món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người. Rêu rửa sạch, lấy lá chuối hoặc lá dong trên rừng, chọn lá to bản, hơ trên than hồng cho lá mềm, khi gói không bị rách, cho cùng các gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, “mắc khén”, sả, hành, buộc túm lại, nướng trên tro nóng hoặc than hồng, thỉnh thoảng xoay đều cho tới khi lớp lá bên ngoài cháy xém là được. Rêu nướng còn dùng ống nứa non “tau lam” để nướng, cách này giữ lại các chất ngọt trong ống. Món rêu nướng có mùi vị đặc trưng, đặc biệt khoái khẩu đối với người biết uống rượu.
Chế biến món rêu nướng bọc lá dong rừng, đặc sản của đồng bào Thái.
Rêu đá chế biến nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc, đậm đà trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày xuân. Món rêu đá còn mang một ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy từ ngàn xưa còn lưu lại đến giờ.
Quỳnh Thơ
(Tổng hợp)
Món ngon rêu đá Mộc Châu Reviewed by Unknown on 19:25 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Mộc Châu © 2015 - 2016
Powered By Blogger, Designed by Nguyễn Anh

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.